Ác mộng của "dế mèn" - Kỳ 3: Bẫy rập
Kỳ 1
Kỳ 2
TT - Buổi chiều 30-4, khi vừa đưa được sáu cậu bé lớp 6 ngơ ngác được bác xe ôm tốt bụng cứu ngay trước ngưỡng cửa bị “bán sống” ở bến xe miền Đông về trụ sở để chờ cha mẹ đến đón thì số điện thoại nóng của chúng tôi lại reo vang. “Có hai trẻ vừa bỏ trốn khỏi một cơ sở lao động, đang ở ngã tư Bình Phước...”.
Hải và Khương sau cuộc chạy trốn, được bác xe ôm Tân Lợi đưa đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ nhờ giúp đỡ - Ảnh: Đức Tuyên
Chạy
Mặt vẫn chưa hết vẻ thất thần, bên vành tai trái của Hải, một vệt máu mới khô vẫn còn dính nguyên. “Quê cháu nghèo quá” - Nguyễn Ngọc Hải, 15 tuổi, nói ngắn gọn về làng Múc, xã Trường Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang quê mình. Đang học dở lớp 8, Hải rủ em họ Bùi Văn Khương (14 tuổi) đang học lớp 7 vào TP.HCM tìm giấc mơ “làm giàu”.
“Sau nhiều ngày suy nghĩ, bàn tính, cháu quyết định nghỉ học rồi theo anh Hải vào Sài Gòn đi làm”, Khương nói như người lớn. Cả hai đã thấy mình may mắn khi vừa chuẩn bị vào Nam thì gặp ngay “bác Trịnh” về làng tuyển lao động vào TP.HCM để làm may. “Bác Trịnh nói làm ngày hai buổi, bao cơm nước, lương 10 triệu đồng/năm nên chúng cháu đi theo”. Hải và Khương cùng một nhóm trẻ khác được đưa sang Bắc Ninh ngủ một đêm rồi ra xe vào thành phố, được “bác Trịnh” bàn giao trực tiếp cho các chủ cơ sở may.
“Chú Vân - chủ xưởng may - không làm đúng hợp đồng, cửa nhà khóa chặt không cho ra ngoài, chúng cháu phải làm từ sáng sớm tới tận khuya mới được đi ngủ”, Khương nhăn mặt kể. Từ 7g sáng, tất cả phải ngồi vào máy, may mãi đến 12g trưa. Nghỉ ăn cơm một tiếng rồi làm tiếp đến tận 19g ăn cơm chiều. 20g, ngày làm việc lại tiếp tục cho đến 24g hoặc 1g sáng hôm sau mới được đi ngủ. Nhiều đêm bụng đói meo, chân tay như rụng ra từng khúc, hai anh em ôm nhau khóc rồi trôi vào giấc ngủ chập chờn. Ông chủ nói Khương còn nhỏ, làm không đủ sản lượng, trả lương 3,5 triệu đồng/năm, còn Hải khá hơn với mức lương 5 triệu đồng/năm.
Và các em không chịu được, bỏ trốn? Hải lắc đầu trước câu hỏi của chúng tôi: “Nếu chỉ vậy, có lẽ cháu cũng sẽ cố chịu đựng, hi vọng được lãnh lương”. Hai cậu thiếu niên đang tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi ngông nghênh cúi mặt kể tiếp về những lần bị ông bà chủ, thậm chí cả con của ông bà chủ mắng chửi, đánh đập mỗi khi vô tình mũi kéo hay đường kim đi lệch, làm hư hỏng hàng. “Hôm kia bị mắng, cháu tự ái, bỏ trốn. Ông chủ xưởng bắt lại, tát mấy cái, chảy máu tai cho đến tận hôm nay. Hai người con của ông cầm dao dọa: Chúng mày trốn nữa, tao chém!” - Hải co rúm người, sợ sệt kể.
Hôm nay nhân nghỉ lễ, hai đứa lại tìm cách trốn. Lẻn được ra cổng là chạy thục mạng, không mang theo gì ngoài bộ quần áo mặc trên người và mấy chục ngàn đồng được cho vào dịp lễ. Mấy tháng làm công quần quật kể như đổ xuống sông. Từ Tân Bình chạy ra đường, đi xe ôm đến ngã tư Bình Phước thì hết tiền để đón xe đò. Nhịn đói từ sáng sớm đến chiều nên khi được đưa đi ăn, loáng cái hai anh em Hải và hết bát phở to rồi bưng cả tô lên húp cạn nước.Thế nhưng nhắc đến chuyện về quê, Hải lại rơm rớm nước mắt.
Mẹ đi xuất khẩu lao động đã lâu không tin tức, bố đang ốm phải nằm bệnh viện, ông bà nội ngoại khó khăn, đứa em tạm gửi cho người bác trông nom, Hải nói muốn về quê nhưng sau cùng lại quyết định sẽ đến nhà người bác ruột tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng để giúp việc nhà. “Cháu phải đi làm, có lương mới giúp được gia đình”, Hải quả quyết khẳng định. Chúng tôi đưa các em lên xe, một chặng đường mới lại bắt đầu.
Mới đầu năm học này Nguyễn Văn Nam vẫn là một học sinh thuộc loại khá, siêng năng của lớp 9A8 Trường THCS Hoài Tân, Hoài Nhơn, Bình Định. Ở xóm dừa nhà mình, Nam còn được rất nhiều người yêu mến vì nết ngoan hiền, vui vẻ, gặp ai cũng chào hỏi, đi học về là ra vườn giúp mẹ cuốc luống khoai, chăm đàn bò. Vậy nhưng hôm nay gặp chúng tôi trong một công trường xây dựng ở Quy Nhơn, Nam gầy quắt, đen nhẻm, lầm lì, xa cách, lấm lét và cảnh giác. Biến cố mấy tháng qua trong đời em lớn quá.
Nam không thể giải thích được vì sao một ngày kia em lại nghe lời một anh bạn cùng xóm rủ đi hái cà phê thuê. Ôm cái cặp đi học, Nam theo bạn lên xe đi Tây nguyên. Gương mặt lớ ngớ của cậu không thoát khỏi con mắt tinh đời của những “kẻ săn mồi”. Sau một vài lời hứa ngọt ngào, chiếc xe ôm chở Nam đến một rẫy lớn ở huyện Chư Pãh, Gia Lai. Ở đó, người xe ôm lãnh tiền công rồi đi. Nam gặp hơn mười anh bạn khác tuổi từ 14-20, đều là học sinh bỏ nhà đi như mình.
Việc đầu tiên, bà chủ thu tất cả giấy tờ tùy thân, điện thoại, tiền bạc gọi là làm tin. Bà hứa trả lương 1,2 triệu đồng/tháng, nếu làm giỏi sẽ tăng lên 1,5 triệu.
Rẫy cà phê, bắp cải, rau quả, trang trại nuôi gà, heo rộng gần chục hecta. Nam và các bạn được giao đủ việc: sáng ra vườn tưới nước, làm cỏ, bón phân, hái cà phê; tối về khuân hàng, rửa dọn trang trại heo, lặt hành, bẻ bắp... Từ sáng sớm làm đến 9g tối, nếu vào mùa cà phê thì 11g khuya ngày làm việc mới kết thúc.
Nam, đen đúa và hốc hác sau những tháng quần quật giữa rẫy, trở về trong vòng tay gia đình, làng xóm - Ảnh: Trường Đăng
Quản công luôn đốc thúc, ai làm chậm là bị đánh. “Hầu như ngày nào cũng có anh bị đánh, có khi nhẹ, có lúc chảy máu mũi” - Nam kể. Hơn bốn tháng đầu trần, chân trần ra rẫy, ăn uống bữa đói bữa no, Nam như biến thành một người khác. Tóc phủ xuống vai vàng cháy, tay chân mình mẩy còm nhom, đen nhẻm.
Nhưng tiền công thì không có đồng nào. Không chỉ có Nam, tất cả những người làm khác cũng thế, kể cả một anh cùng quê với Nam, bỏ học đến làm công ở đây gần hai năm, được giao việc quản lý, thu tiền hàng nhưng cũng chưa nhận được tiền công. Tết đến, nhớ nhà, nhớ mẹ, thất vọng, ân hận, Nam tìm cách trốn.
Mồng 2 tết, Nam và Sơn (cùng tuổi Nam, quê ở An Khê, Gia Lai) xin phép bà chủ ra ngoài chơi rồi bỏ trốn. Không biết đường đi, không có tiền, đang lang thang đón xe xin đi nhờ thì bị phát hiện. Bị bắt lại, hai đứa run lên khi nghe bà chủ nói như đinh đóng cột: nếu trốn nữa sẽ gọi về nhà bắt bồi thường 10 triệu đồng. Nam im lặng tiếp tục ra rẫy. Nửa tháng sau, không chịu nổi cực khổ hằng ngày, lại còn bị đánh đập, không có tiền công, Nam và Sơn quyết liều thực hiện cuộc chạy trốn lần thứ hai.
Đêm, trong cái rét Tây nguyên cóng xương, hai cậu bé trèo tường, chọn con đường khó đi nhất, liều mạng bơi qua một cái hồ rộng tiếp giáp giữa khu rẫy với rừng. “Không biết hồ nông sâu thế nào nhưng tụi con cứ bơi, cứ nghĩ ráng đập chân, đập tay thêm mấy cái để thoát được khỏi khu rẫy ấy.
Cả ngày hôm sau, hai đứa vừa đói vừa lạnh nằm trong bụi rậm đến chiều tối vì sợ bà chủ bắt lại” - Nam lí nhí kể, vẫn còn nguyên nỗi sợ. Chập choạng tối, cả hai chui ra, kéo nhau tìm vào nhà dân xin ăn. May mắn, ngôi nhà đầu tiên Nam và Sơn đánh liều bước vào có một ông chủ tử tế. Ông cho hai đứa tắm giặt, ăn uống, thay quần áo mới. Ông lại hỏi chuyện rồi giúp liên lạc về nhà. Trước khi ba của Nam đến nơi, ông còn dẫn Nam đi cắt tóc để người cha đỡ sốc khi phải gặp con trong bộ dạng “người rừng”.
PHẠM VŨ - TRƯỜNG ĐĂNG - ĐỨC TUYÊN
Nguồn:http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/444075/Ac-mong-cua-de-men---Ky-3-Bay-rap.html
Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Bài đăng phổ biến
-
1. Coral Snake, North America Được tìm thấy tại Nam Mỹ (chủ yếu là tại Honduras), loài rắn san hô này là một trong số những loài rắn đẹ...
-
Mấy bữa nay thẻ nhớ bị lỗi,lên mạng kiếm cách khắc phục mà thông tin nhiều quá nên mù cà lên.Mới tìm được bài hay trên net, chia sẻ với mọi ...
-
Collocation pelmanism Submitted by TE Editor on 3 October, 2006 - 13:00 This activity follows on from the Think article Lexical expl...
-
Hội những người thích đùa 1. Đó là một buổi tối rất bình yên, cả nhà tôi đang cùng xem bộ phim truyền hình yêu thích thì chuông điện tho...
-
Source: www.LiveLeak.com
-
Bạn muốn biết máy tính mình mạnh mẽ đến mức nào? Liệu đã đến lúc cần thay thế mới hoặc nâng cấp cấu hình? Bạn muốn kiểm tra sức mạnh thực s...
-
Bạn đặt 1 chiếc laptop có đặt mật khẩu trên bàn làm việc, khi bạn tiến lại gần và ngồi xuống trước máy tính, nó tự động mở khóa và cho bạn ...
-
Spot the vocabulary Submitted by TE Editor on 2 September, 2009 - 15:56 This is a visual activity which helps make the process of rec...
-
Một bài hay của báo Tuổi Trẻ. Mình lấy về đây để chia sẻ cùng mọi người. TT - Với nhiều yếu tố tác động của một xã hội đang phát triển, ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét